Mục đích của Kế hoạch là chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, thủy sản; xử lý kịp thời ổ dịch khi mới phát sinh, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản của tỉnh, sản xuất chăn nuôi phát triển, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Theo đó, Kế hoạch đưa ra một số biện pháp phòng chống dịch đối với gia súc, gia cầm, động vật thủy sản. Riêng với động vật thủy sản:
Khi chưa có dịch xảy ra
Cần đẩy mạnh thông tin truyền thông và mở các lớp tập huấn cho người nuôi trồng thủy sản, buôn bán, vận chuyển, sơ chế, chế biến thủy sản; nhân viên thú y cấp xã, cán bộ làm công tác chăn nuôi, thú y thủy sản cấp tỉnh, huyện về các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Thời điểm tuyên truyền phải được thực hiện trước mùa vụ nuôi, trước thời điểm có nguy cơ phát sinh dịch bệnh và khi có dịch bệnh xuất hiện.
Quan trắc, cảnh báo môi trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hệ thống nhằm phát hiện những yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản, cảnh báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý và khắc phục cần thiết; giám sát lâm sàng bằng cách theo dõi để kịp thời phát hiện thủy sản bị bệnh, bị chết và xử lý kịp thời theo quy định; khi có dịch bệnh xảy ra hoặc khi môi trường biến động bất thường, lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.
Mặt khác, thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật thủy sản có trong danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh xuất phát từ vùng có dịch; động vật thủy sản sử dụng làm giống xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh, cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc chưa được giám sát dịch bệnh theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, buôn bán động vật thủy sản theo quy định.
Ngoài ra, khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản và hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản theo quy định.
Khi có dịch xảy ra
Thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo quy định của Luật Thú y; Quyết định số 16/2016/QĐ- TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành lập và tổ chức, hoạt động của BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp; Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Nông nghiệp và PTNT: Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản theo quy định. Đồng thời, theo dõi đôn đốc thực hiện, tổng hợp báo cáo, tiến độ, kết quả triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; chủ động rà soát nhiệm vụ, đối tượng theo kế hoạch được duyệt, kịp thời đề xuất cho phù hợp.
Chỉ đạo Chi cục Thủy sản: Thực hiện kiểm tra, giám sát về chất lượng giống thủy sản, môi trường và chất lượng nước các vùng nuôi thủy sản, thực hiện các nhiệm vụ quan trắc và cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Phối hợp với các cơ quan truyền thông hướng dẫn, tuyên truyền kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và các biện pháp phòng, chống; phối hợp với các địa phương chủ động kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch bệnh lây lan; vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Chẩn đoán xét nghiệm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, thủy sản…
UBND các huyện, thành phố: Chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn quản lý; xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.
UBND các xã, phường, thị trấn: Xây dựng và trực tiếp tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn và chủ động sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh theo phân cấp để thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, mua vật tư, thuốc sát trùng, nhân công... phục vụ công tác phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch nhỏ phát sinh. Đồng thời, huy động các tổ chức đoàn thể ở địa phương, vận động nhân dân hưởng ứng và tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo kế hoạch; tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản.
Thống kê, báo cáo số lượng đàn gia súc, gia cầm, hộ chăn nuôi; số lượng chủng loại giống thủy sản thả nuôi, diện tích nuôi của địa phương; lập kế hoạch tiêm phòng, phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trong các đợt theo kế hoạch của UBND cấp huyện; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành về phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định,..
Thanh Thủy